30 tháng 12, 2008

Một cái tên


Có một cái tên, mà không phải, đúng ra là một biệt danh mà ngày đó mình với bạn quen nhau. Đến nay cũng là hơn ba năm rồi vẫn chưa mặt tạng mặt nhau lần nào dù là đã có nhiều cơ hội để làm được điều đó. Cái lý mà bạn đưa ra đó là mình đã quen nhau như thế nào thì hãy vẫn là những người bạn như thế ấy, hãy là một người tri kỷ phía sau màn hình máy tính kia của nhau. Vậy đấy, tình bạn tưởng chừng buồn cười ấy vậy mà vẫn còn đó một sức sống mãnh liệt và sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình.
Lâu nay người bạn ấy có lẽ vì bận rộn với nhiệm vụ mới nên có khi cả tháng không nói với nhau câu nào. Cũng có lẽ vì bạn đã cố tình để thời gian mình dành cho công việc và nhà mình.
Cũng tội cho nhà mình. Hôm nay khi đọc bài trắc nghiệm về mức độ hiểu nhau của những người yêu nhau. Đến lúc hỏi câu “Tôi có thể nêu tên những người bạn tốt nhất của người yêu tôi” thì nhà mình hỏi ngay là “Có thể không biết tên mà nêu biệt danh được không?”. Và sau khi được sự đồng tình của mình thì câu trả lời của nhà mình là “thứ nhất phải là chị ThanhHa”. Rồi lại lầm bầm rằng “nếu chị ấy thường gặp anh ngoài đời thì chắc chắn là em không có cơ hội nào rồi”. Mình cười, vì nhận ra rằng nhà mình hiểu mình hơn mình từng tưởng, và quan quan trọng hơn nữa là nhà mình cũng thông cảm mà không so bì với bạn ấy.
Một buổi tối thú vị dù chỉ với vài điều. Nhưng vì những điều đó rất quan trọng trong cuộc sống này của mình.

29 tháng 10, 2008

Hơn


Gần đây cứ mỗi lần gặp mình hay gọi điện thì sếp đều hỏi "em thế nào rồi? chỗ mới làm tốt chứ?". Câu trả lời thì vẫn cứ là "cảm ơn chị, cũng có này có kia, nhưng nhìn chung cũng tốt". Còn khi mấy đối tác biết chuyện cũng hỏi "làm ở đó môi trường thế nào?", câu trả lời thì thường là vô thưởng vô phạt kiểu "làm ở đây tốt lắm, nhất là những khi được gặp những người cở mở như anh" hay "thử xem, cứ được đi gặp những cô gái xinh đẹp thế này thì có tốt không nhỉ?".

Bà xã thì cứ bảo "anh bớt cái miệng anh lại làm ơn". Nhưng mà nói vậy thôi, công việc mà. Trong cái nghề này thì cũng có lúc này lúc khác. Có thể gặp những đại gia thứ thiệt, được mời nước đàng hoàng, nhưng cũng có khi mất nhiều lần mà cũng không gặp được dù chỉ là một cô bé. Nhiều khi được những trận cười vỡ bụng từ những cô đồng sự nhí nhảnh yêu đời, cảm thấy biết ơn với những đồng sự rất tế nhị với những giúp đỡ từ bên kia biên giới nhưng rồi cũng lắm lúc bực mình vì những vụng về ứng xử của vài đồng sự dị ngôn.

Nhưng nói cho cùng thì cũng cảm thấy mình cười được nhiều hơn, đỡ xót lòng mỗi cuối tháng và cũng có những giây phút được "sang" nhờ việc hoà đồng.

13 tháng 10, 2008

Lệ và phí

Đọc bài này trên vnExpress thấy tâm đắc nên lưu lại đây để dành xem.
Nếu quyết thu tiền để tăng ngân sách thì đánh vào giá xăng

Hãy quan sát lưu lượng giao thông vào ngày nghỉ và ngày thường, thứ 7, Chủ nhật, lưu lượng giảm 90%. Ngày thường thì hay kẹt xe vào giờ đi làm. Vậy thì đâu phải nhân dân thiếu ý thức, ra đường khi không thật cần thiết. (Nguyễn Văn Nguyễn)

Hơn nữa, giá xăng tăng thế này sẽ buộc người dân phải tiết kiệm chi tiêu. Không nên đổ lỗi cho dân và không nên tìm cách hạn chế đi lại bằng sáng kiến như vậy.

Còn nếu quyết tâm thu tiền để tăng ngân sách thì nên tìm 1 cách công bằng hơn, đó là đánh vào giá xăng, đảm bảo được nguyên tắc: anh xài nhiều thì đóng nhiều, xài ít đóng ít.

Ý kiến của bạn?
Người gửi: cavalry man,

Tôi cũng không đồng ý với việc tăng giá xăng nhằm tăng ngân sách và giảm ách tắc giao thông. Như đã nói, thì chúng chẳng liên quan tới nhau chút nào. Tăng giá xăng thì làm giàu cho doanh nghiệp bán xăng bởi nhà nước có quản lý được đâu, càng không thể giảm tắc đường bởi tắc đường là do muôn vàn lý do mà lý do chính thì không phải là giá xăng rẻ. Đó chỉ là lý do chủ quan thôi. Khi xăng thế giới tăng thì doanh nghiệp đòi tăng giá xăng, còn giờ hạ rùi mà không có ý kiến gì. Thật lạ quá!! Nói vui là phản ứng chậm!!

Người gửi: Trần Minh Thắng,

Như mọi người cũng thấy người dân hiện nay cũng đã ý thức được việc đi lại là thật sự cần thiết, và tiết kiệm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay là điều phải làm. Xăng không chỉ dùng cho phương tiện giao thông mà còn dùng cho các ngành kinh doanh khác và nông nghiệp... Việc tăng giá xăng trong giai đoạn hiện nay chẳng khác nào tăng chỉ số giá tiêu dùng lên cao hơn, người nghèo càng gặp khó khăn hơn. Ngoài ra nguồn thu chính cho ngân sách của nhà nước đâu phải là việc thu tiền bán xăng cho người dân.

Người gửi: Nguyễn Văn Luận,

Thu phí lưu hành xe là đổ đồng cho mọi người, theo tôi ai dùng nhiều thì phải trả nhiều, ai dùng ít thì trả ít. Tăng giá xăng không có nghĩa là làm lợi cho doanh nghiệp bán xăng dầu mà tăng tiền thu phí giao thông, ví dụ như hiện tại đang là 500 đồng/lít thì tăng lên thành 1.000 đồng/lít, như vậy sẽ đảm bảo công bằng hơn. Tuy nhiên, với hình thức này có một mặt hạn chế là các doanh nghiệp SX sẽ bị thiệt vì máy móc của họ rất ít hoặc không lưu thông trên đường.

Người gửi: Ngo Cang,

- Đồng ý đánh thuế vào giá xăng (nếu phải đánh thuế).
- Không đồng ý: Thời buổi khó khăn giá cả leo thang, khi xăng thế giới lên mức hơn 140 USD/thùng thì trong nước điều chỉnh giá lên 19.000 đồng/lít. Thời điểm hiện tại, giá xăng thế giới đã xuống đến 77 USD/thùng thì giá xăng trong nước điều chỉnh là 16.500 đồng/lít. Vậy có hợp lý không? Ai sẽ trả lời câu hỏi: Tiền lời sẽ đi đâu?

Người gửi: RayCaster,

Tôi thực sự rất không hài lòng vì ý kiến trên, mong các hiểu rõ vấn đề khi đưa ra cách giải quyết. Nghĩ thử xem, buôn bán vận chuyển có cần xăng? Chạy máy bơm nước vô ruộng thôi có cần xăng?. . . Tình hình lạm phát tăng cao có phải 1 phần do giá xăng ko, sao bây giờ còn kêu tăng giá? Lý do ác tắc giao thông đâu chỉ do xe cộ, tăng giá xăng có dẹp được các lô cốt trên đường ko? Chỉ nhiêu đó ý kiến thôi mong anh suy nghĩ kỹ lại.

Người gửi: Thỏ Ngọc,

Tui chẳng đồng ý với quen niệm trên. Tăng ngân sách bằng cách đánh vào giá xăng là không khả thi vì bán giá cao thì chỉ có các doanh nghiệp bán xăng dầu mới lời chứ ngân sách không tăng! Nếu so với giá xăng dầu thế giới thì VN bán 12.000 đồng/lít là hợp lý! Giảm giá xăng nhiều quá thì dân bị sốc vậy tăng giá bán nhiều thì dân không sốc sao?!

Người gửi: Khương Đình Diên,

Tôi thấy ý kiến là tăng thu ngân sách mà đánh vào giá xăng là vô lý vì xăng dầu bây giờ nhà nước giao toàn quyền cho các doanh nghiệp cho nên tăng giá vào xăng khác nào nhân dân lại làm giàu cho một bộ phận. Trong khi đó thị trường xăng dầu trên thế giới đang giảm xuống hàng ngày mà các doanh nghiệp này không hề nói đến chuyện giảm giá.

Một lần nữa tôi đề nghị các doanh nghiệp mua bán xăng dầu phải có ý thức tự điều chỉnh chứ không phải để người dân lên tiếng. Ở đây tình trạng hội nhập vẫn chưa công bằng trong trong nền kinh tế thế thì nhà nước đừng giao toàn quyền cho họ.

Người gửi: Nguyen Hoa Hoang Duong,

Rất chuẩn. Nếu thực sự muốn thu tiền để tăng ngân sách thì hãy đánh vào giá xăng chứ thực sự người dân không muốn đi ra đường để lượn chơi cho vui họ đều phải đi khi có công việc thực sự. Bây giờ đồng lương tăng được một chút nhưng kéo theo bao nhiêu thứ đều tăng trong cuộc sống chi tiêu hàng ngày, thế mà lại còn bao nhiêu khoản đóng góp nữa không biết họ sẽ sống như thế nào đây. Cái phải làm ngay bây giờ là chống ô nhiễm môi trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng hơn cả là chống tham nhũng.

(Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/2008/10/3BA075F9/)

9 tháng 10, 2008

Cảnh nóng

Điện ảnh Việt Nam từng một thời được người ta yêu thích. Đó là vào những ngày của Lý Huỳnh, Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh.... Nhớ những ngày người ta chen lấn nhau trước màn hình ti vi của vài người giàu trong xóm chờ xem cho được những bộ phim Nước mắt học trò, để rung cảm với những nhân vật trong phim và mến mộ những người diễn phim. Nhưng rồi những năm sau đó đến gần đây điện ảnh Việt Nam đi xuống. Những bộ phim sau này mà có những diễn viên kịch tham gia thì còn đỡ đỡ, những bộ phim khác thì chán phèo vì diễn các hành động thiếu tự nhiên và lời thoại cứ như là bọn trẻ trả bài, không chút nhập tâm trong đó.
Nhiều người bắt đầu bàn tán để tìm giải pháp cho phim Việt Nam. Nhưng không biết vì sao chẳng mấy ai chú ý tới những chuyện cơ bản nhất của phim là lối diễn và lời thoại, và nội dung cốt chuyện. Mấy ông bà làm phim chắc vì xem quá nhiều phim Mỹ nên cho rằng phim Việt Nam thiếu hấp dẫn vì không có cảnh nóng. Vậy là cảnh nóng trở thành đích ngắm của mấy bác nhà ta mà quên rằng những người có trách nhiệm với nền văn hoá nước nhà đang đau đầu vì cái lối sống buông thả của con cháu mình. Bất chấp ai nghĩ gì, những bộ phim gần đây luôn thêm vào những cảnh nóng mà theo nhiều người xem thì rất không cần thiết.
Một cô bạn đồng nghiệp của tôi nói "Em xem phim Mỹ thấy cảnh đó là bình thường. Nhưng khi xem phim Việt mình thấy những cảnh đó chợt thấy no dơ dơ làm sao ấy, không phù hợp chút nào với văn hoá của mình". Nhưng sao cũng được, cứ làm gì có tiền thì làm. Những cảnh nóng tiếp tục được đầu tư ngày càng nhiều mặc sát thế nào là hoà tan hay hoà nhập.
Chán!

18 tháng 9, 2008

Vứt áo


Cũng chẳng biết còn bao lâu nữa mình mới phải quyết định việc ra đi hay ở lại, vậy mà xem ra bà con hầu như ai cũng muốn mình ở lại. Vì điều gì mình cũng không chắc, nhưng rõ ràng bản thân cũng chẳng thiết tha với một định hướng nào cũ thể.
Hôm trước sếp bảo nên kêu vợ về ở đây vài năm rồi sau đó hẳn đi. Lý do mà sếp đưa ra là cuộc sống hối hả với trăm ngàn áp lực nơi xứ lạ quê người sẽ giết chết cái lãng mạn của đôi vợ chồng trẻ trong khi ở đây vẫn có thể thu xếp để thưởng thức cuộc sống bình yên. Còn bảo là những khó khăn bước đầu trong cuộc sống phương xa sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người vợ trẻ. Đúng là sếp nói chẳng rất có lý. Nhưng mà hơn 2 tháng nay có bao giờ mình được thanh thản để xem TV trọn ngày thứ bảy? Có bao giờ được ngồi tâm sự với vợ mà không phải để mắt tới mấy cái bảng số liệu dài lê thê? Mấy đồng tiền cuối tháng nhận được xem ra cũng chẳng bù đắp được vào đâu khi những việc lo toan còn cả một danh sách dài ngoằn và giá cả thời này tăng với tốc độ của công nghệ thông tin.
Mới đây cô bạn nọ cũng bảo là ủng hộ những quyết định của mình dù ra đi hay ở lại. Mặc dù có bảo là có lòng tin ở năng lực và sự thành công của mình, nhưng cô nàng cũng không khỏi lo âu khi biết cuộc sống bên trời kia không phải giản đơn. Lòng tin và sự lo lắng của cô nàng sao cũng giống như những gì mình suy nghĩ. Có lẽ đó là lý do khiến hai người có thể quý nhau được lâu bền.
Và, một người bạn đồng liêu cũng lại khuyên mình nên ở lại. Hắn nói xem ra hai thằng em mình chắc hẳn không gánh vác nổi việc gia đình thay cho mình. Hắn bảo sợ những khó khăn sẽ trầm trọng hơn khi mình vứt áo ra đi. Trong số những người bạn thì hắn là một trong những người từng cùng mình chia sẻ bao nhiêu là vất vả thưở hàn vi, những lo lắng cho tương lai khi chọn con đường tiến bước, và những quan hệ nghĩa nhơn mà mình với hắn có chung một cách nhìn.
Lo lắng cho cuộc sống bản thân, của gia đình là điều không thể tránh khỏi, và với mình thì điều đó còn quan trọng vô cùng. Nhưng rồi mình cũng chấp nhận những thử thách và thay đổi. Mình biết, thay đổi và thử thách là bản chất của cuộc đời, mình cứ bình thản đối mặt với cuộc sống dù là ở đâu hay với ai. Mình từng nói với một trong số những người bạn rằng tình yêu cũng có cái giá của nó, có chấp nhận chút thiệt thòi để người mình yêu được vui cũng là việc nên làm. Nhưng quan trọng hơn hết là mình vẫn có một lòng tin, những khúc ngoặt trong cuộc ôời mình đã trải qua cũng không quá thiếu cho những cuộc đương đầu sắp tới. Cuộc sống là vậy, lòng tin đối với bản thân là điều quan trọng nhất trên mọi chặng đường.

17 tháng 8, 2008

Lạm phát


Ngay trong lúc tình hình kinh tế thế giới, kinh tế quốc gia đang gặp nhiều khốn khó với giá cả thì đối với mình tình hình còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần. Tháng lương vừa rồi gần như cúng trọn cho ba cái thủ tục không chính thức gì đó để giải quyết cho êm đẹp một chuyện quan trọng nhất để khỏi hoài công của nhà mình. Vậy mà còn chưa xong, rồi đây sẽ còn nhiều thứ cũng nhiêu khê không kém.
Trong cuộc họp gần đây nhất, nội vụ đã báo cáo tình hình và đề nghị tăng chi viện cho ông bà cụ đang vất vả vì giá cả tăng vọt và mức sống của người lớn đang sa sút, ảnh hưởng mạnh hơn đến bệnh tật và hàng loạt nguy cơ có thể xảy ra. Thằng nhỏ thì cũng đề nghị viện trợ thêm để đảm bảo việc ăn học của nó được thông suốt. Còn những khoảng tiền điện đóm, điện đàm thì cũng ghê hồn. Vậy là bây giờ cái người chịu tất cả những khốn đốn lại phải không biết trông cậy vào ai ngoài chính mình. Khi xưa cũng thỉnh thoảng có thể vay mượn của đồng nghiệp để còn xoay sở. Bây giờ chỗ mới, người mới, có lẽ họ cũng không phải hẹp hòi và thậm chí rất sẵn lòng, nhưng cũng ngại quá. Nhưng nếu không có khoản ủng hộ nào thì coi như tháng này chết đói là cái chắc. Có người nói "sắp làm việt kiều rồi mà sao khổ vậy?". Bảo là "việt gì thì cũng là người cả, vẫn phải chạy vạy kiếm đồng tiền mới sinh sống được". Nói là nói vậy, nhưng cuối cùng người ta cũng sẵn lòng giúp cho mình, chỗ quen biết, còn hơn cả sự quen biết mà, thì hiểu nhau là phải rồi. Đang nghĩ, không biết nhà mình rồi sẽ nghĩ gì nếu biết chuyện này. Nhưng cho dù thế nào thì vẫn không thể sống từ đây đến cuối tháng mà không có một đồng xu.

30 tháng 6, 2008

Tình nghĩa


Trong một ngày mà phải tranh thủ giải quyết tất cả mọi thủ tục cho xong. Suốt ngày chạy xe đến nổi tối về không còn biết cái mông của mình ở đâu. Cho dù là mọi thứ rắc rối đã xảy ra nhưng kết quả cuối cùng mình cũng không hoài công ngày đó.
Hắn không phải là người duy nhất có thể giúp mình chuyện đó vì cũng có ông chú có thể làm mà. Nhưng mà sự nhiệt tình đến quên mình của hắn làm mình thực sự cảm động, làm bạn tốt có lẽ không thể tốt hơn thế được. Hắn bỏ ra cả buổi chiều, cả tiền và công sức để giúp mình moi cho ra cái hộ khẩu, rồi tự tay phô tô, công chứng, còn cả 2 chầu cà phê và một bữa ăn thịnh soạn. Hắn vui vẻ khi làm thế. Nhớ lại từ ngày mình với hắn là bạn học chung đến nay hắn luôn làm những việc tốt cho mình và gần như chưa làm gì cho mình bực mình kể cả việc trong việc chèn chén cũng chưa khi nào làm mình khó xử.
Vậy đó, mình lại cảm thấy như nợ hắn. Một chút tình, một chút nghĩa. Và một tình bạn đồng liêu vô tư từ những ngày cách đây gần hai mươi năm. Cảm ơn nhé, bạn của tôi.

28 tháng 4, 2008

Còn chút


Nhiều khi chẳng biết viết gì, cũng chẳng có thời gian để suy ngẫm hay viết lách. Cảm xúc cũng không phải là quá hiếm hoi nhưng cứ bơi theo thực tại mà cảm thấy mình lắm khi không còn chút nghệ sỹ nào. Vậy mà vẫn thích vào mạng, xem nhật ký của những người bạn, dù gần, dù xa, dù từng ngồi chung bên ly cafe hay là đã nhiều năm không gặp. Thích những dòng cảm xúc rất đời thường của họ, và đôi khi ước gì mình cũng được có những cảm xúc đó. Thấy cảm động với những dòng nội tỉnh tự tâm của mấy anh chị em, thấy tâm phục những bạn có ngòi bút bén ngót với những câu văn thật tuyệt vời và ý vị. Thậm chí có nhiều lúc còn cảm thấy hổ thẹn khi biết mình không thể viết hay và thật như họ. Vẫn còn rung động, vẫn còn chút lãng mạn trong ta thì phải. Cảm ơn tất cả các bạn đã chia sẻ những dòng tâm tư ấy.

25 tháng 4, 2008

Dòng đời


Mười hai năm không phải là quá dài với một đời người, nhất là những người có đến 20 năm để trưởng thành. Vậy mà nó làm cho mọi thứ dường như đảo lộn. Một cô học trò được mệnh danh là tiểu thư giàu có, sung sướng và xinh đẹp nhất vùng mà hàng tất cả những người bạn cùng thời chỉ có thể nằm mơ giờ biến thành một người vợ vất vả tháng ngày nơi nương rẫy, chợ búa để chăm lo cho chồng con đến nỗi quen cả tấm thâm đài cát kia như một bông hoa tàn khô héo mà vẫn không được cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn của một người được làm vợ. Nó làm cho một gã nhà quê từ chỗ đa sầu đa cảm biến thành một kẻ dám nói dám làm, lạnh lùng, tàn nhẫn.
Dòng đời nghiệt ngã, nhưng thay đổi là cái lý của thế giới này. Chỉ có thể thay đổi để tồn tại, nhưng thay đổi phải theo một hướng xác định và chấp nhận những gì được và mất trong cuộc thay đổi đó. Kể cả đúng đắn hay sai lầm, vẫn cứ phải bước về phía trước.

12 tháng 4, 2008

Đến


Vậy là những gì đến cũng đang đến. Còn hơn tháng nữa là mình lại rời khỏi cái ngôi nhà thứ hai này, để lại những quan hệ tốt đẹp mà 6 năm nay gầy dựng. Chợt nhớ đến cái ngày ấy, cách đây cũng đầy 6 năm, khi mà bổng một ngày đẹp trời mình mời các đồng nghiệp một chầu cafe đơn giản. Buổi ấy thật xúc động, những dòng nước mắt chảy dài của các đồng đội xinh xắn, và cả của người sếp chị khả kính.
Những ngày này tự dưng cảm thấy cảm xúc miên man. Lại nghĩ đến những việc được và mất. Mình đang lao về phía trước với một chút tự tin, nhưng cũng không thiếu phần của những lo lắng cho những bước đường chông gai sắp tới. Nhưng rồi giống như mọi thứ đã được sắp đặt sẵn trong cuộc đời này, những người mình gặp, những nơi mình đến và đi như đã từng thấy đâu đó. Từng bước chân trong cuộc đời này đưa mình đi xa hơn khỏi nơi mình xuất phát, rồi hẳn sẽ còn xa hơn nữa.

14 tháng 2, 2008

Tình nhân


- Anh hôm nay có rảnh không?
- Có. Có gì không em?
- Đi nhậu với em đi!
- Trời ạ! Em có vấn đề gì không? Hôm nay là lễ tình nhân mà, có thời gian để nhậu sao?
- Có đi không thì bảo, đừng có nói nhiều.
- Đừng giỡn nữa đi. Lo đi chơi với người yêu đi.
- Người yêu đâu mà chơi?
- Thì người hôm trước em nói đó.
- Ãnh đang ở xa lắm. Em đang cô đơn muốn chết nè.
- Có người yêu mà cô đơn gì? Dù ở xa cũng không gọi là cô đơn. Chỉ như anh nè, xa cũng không mà gần cũng không. Như vậy mới là cô đơn.
- Cho nên biết vậy mới kêu anh ra nè. Pacific nhé! Hội cô đơn bọn em đang ở đó.

Vậy mà đã ba năm trôi qua rồi đó. Cái hội cô đơn bây giờ chẳng còn thành viên nào. Có kẻ đã nộp đơn đỏ xin ly khai còn có người cũng chuẩn bị. Cả ngày nay cũng không thấy ma nào trong hội gọi nữa mặc dù cũng còn vài thành viên trụ cột. Mà vậy cũng mừng, hẳn họ cũng tìm được gì đó thay vì đến quán bia trong những ngày này. Tự chúc mừng cho mình vì cũng đã ly khai hội đó theo một cách nào đó.

9 tháng 2, 2008

Tàn xuân


Vậy rồi những ngày tết cũng qua đi, lại phải chuẩn bị bước vào một năm mới với tất bật công việc, những lo toan, những phiền muộn và những trăn trở mới. Đúng là cái gì cũng có được có mất, mình đang chờ đợi một điều tốt đẹp nhất của cuộc sống của chính mình, nhưng rồi chính những điều đó cũng góp tay vào những khó khăn nan giải mà mình phải đối mặt.
Tổng kết một năm qua mới thấy còn quá nhiều thứ cần lo. Cái đề nghị nho nhỏ của bố là căn nhà bếp sạch sẻ vẫn chưa được hoàn thành và lại hẹn sang cuối năm nay. Công việc học hành của thằng bé thì đòi hỏi ngày càng nhiều những chi phí. Vật giá thay đổi làm cho chi tiêu hàng ngày của gia đình không ngừng tăng lên. Và nhiều thứ cần chuẩn bị cho cái ngày trọng đại ấy vẫn chưa biết cậy vào đâu, việc học hành thì cũng ngày càng căng thẳng. Tạm gạt hết mọi chuyện qua một bên để ăn ngủ cho kha khá trong mấy ngày tết để lại sức cho một cuộc đua mới, nhưng khi trở lại SG thì tâm trí lại cứ quay mòng với những việc dở dang. Giấc ngủ trưa cũng bắt đầu khó khăn hơn, cơn ngủ tối cũng mất nhiều thời gian vỗ giấc. Những cánh hoa mai bên đường chưa kịp chào tiễn biệt nàng Xuân thì những lo lắng trong trăm công ngàn việc đã kéo về đây mừng tuổi.
Lắm lúc thấy mình nghĩ nhiều mà chẳng giải quyết được bao nhiêu, cái gì cũng muốn tròn đầy nên phải đa chiều trong suy nghĩ. Bên cạnh còn có những người anh, xa xa còn có người yêu, người bạn. Nhưng rồi gần như mọi thứ vẫn phải tự mình tính toán mà thôi. Có những đứa em, người chị, nhưng rồi cũng có vẻ như tăng thêm gánh nặng. Càng ngày càng cảm thấy mình đơn độc hơn trên con đường sắp tới, mà cũng vì mình thôi chứ có tại ai đâu. Thôi thì cứ thử sức một phen, có lẽ thỉnh thoảng cũng nên cho mình liều lĩnh và nong cạn hơn một chút để mọi thứ dễ dàng hơn.
Một mùa vui qua đi, những giọng hát tiếng đàn trong những ngày tết cũng bay theo những cánh mai vàng tơi tả. Còn lại chăng là bản thân mình, và trách nhiệm, là bổn phận, là ước mơ, là hy vọng. Và tất cả chỉ trông cậy vào một cái tôi.

30 tháng 1, 2008

Một năm - được và mất


Hôm nay đọc nhật ký của bé Thư mới sực nhớ là đến ngày đưa ông Táo về trời. Vậy là một năm trôi qua, cái Tết lại đến nữa rồi. Không biết ông Táo phụ trách tôi sẽ tấu những gì, thôi thì tự gửi tóm tắt báo cáo cho ông để mà ông lận lưng mang về trển.
Thưa ông Táo,
Có lẽ để cho không khí thoải mái chút, tôi xin nói lên những cái được của tôi trong năm qua:
1. Một năm học hành suông sẻ, dù có lúc cũng hú hồn như mà đã không bao giờ phải thi 2 lần một môn cả.
2. Cái dự án mà tôi đeo đuổi trong những năm 2003-2004 đến nay cũng có quyết định đầu tư của Hội đồng. Không đóng góp gì to lớn nhưng mà một nữa của cái dự án đó là công phu của tôi.
3. Sau 5 năm cống hiến, được công ty cho thêm một cái gọi là "phụ cấp thâm niên".
4. Sau nhiều lần chạy tới thụt lui, cuối cùng cũng làm cho ông bố được hàm răng để ăn uống cho thoải mái hơn. Dù là đến giờ bố còn chưa quen, nhưng hy vọng sẽ ổn.
5. Sau nhiều lượt thăng trầm, cuối cùng thì nói chung đã đạt chỉ tiêu là không để mắc nợ mặc dù cái túi hiện giờ đang ốm yếu lắm.
6. Sau nhiều lần đổi tới dời lui, cái đầu mình đã hết ốm và chắc là đem lại niềm vui cho một người bạn lớn.
7. Sau khi bị nhắc nhở nhiều lần, cái bứơư giáp cuối cùng cũng gần như hết hẳn.
8. Dù khó khăn nhiều nhưng cuối cùng cũng giúp thằng nhỏ có cái xe chạy tới chạy lui và bù vào đó gần một lít để sửa cho nó ngay ngắn lại.
9. Sao nhiều lần bị hối thúc thì cuối cùng đã báo tin cho bố mẹ biết là tô sẽ lấy vợ, và đã làm được điều đó hoàn toàn vì tình yêu.
10. Điều quan trọng nhất trong năm chính là tôi đã tìm được tình yêu mà mình đã cất công tìm kiếm lâu nay, có lẽ không được tròn đầy như cái lý tưởng mà ai cũng mong ước nhưng đó là điều hạnh phúc nhất mà tôi làm được cho mình, và cho nàng nữa.

Bên cạnh những cái được thì những cái mất cũng không ít. Cụ thể là:
1. Hình như trong học kỳ trước bị mấy con 5 điểm, cái loại điểm mà tôi rất ghét.
2. Có mất cái dự án lớn kéo dài quá thời hạn mà vì những lý do ngoài tầm kiểm soát.
3. Sau hơn 5 năm trời làm việc hết mình, đã đổi mấy cái ghế mà cuối cùng cũng là loại ghế đó.
4. Bố tôi vẫn chưa khỏi cái bệnh hay làm mệt bất tử và mấy ông bác sĩ cũng bó tay không biết bệnh gì.
5. Thỉnh thoảng trong năm lại để cho ông bà già chịu khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
6. Trong khi cái đầu tôi hết ốm thì cái trán tôi bắt đầu giở chứng.
7. Cái bướu giáp chưa hết hẳn thì phát hiện trái tim mình có vấn đề, cảm xúc khó kiểm soát.
8. Thằng em lớn liên tục làm mấy chuyện bực mình, cảm giác thất vọng.
9. Đến giờ thì có vẻ như ông bà già chưa chuẩn bị gì cho việc làm xuôi trai.
10. Vẫn còn một điều bất ổn chưa biết sẽ phải làm sao.

Nói chung chỉ là vài điểm chính, còn những điểm linh tinh khác thì mênh mông, để khi nào tiện thể tôi mời ông cafe rồi tâm sự tiếp.
Ông Táo đi đường thong thả nhé!

7 tháng 1, 2008

Đúng lúc

Vậy là ngày hôm qua mình đã không thu xếp dự cái đám cưới của thằng bạn thân thời phổ thông và thằng anh em bạn dì. Nhưng mà trong hoàn cảnh đó không có cách nào khác hơn cả, ai kêu một ngày mà có đến 3 cái đám cưới làm chi, trong khi đó mình đi đám bên này với tư cách là người thân trong nhà.
Lại một phen nói chuyện với chị dâu. Mà cũng lạ, chị ấy cũng không ngại ngần đem ra vài điều khá nhạy cảm mà nếu mìn không khéo giữ gìn cho chị ấy thì chắc hẳn sẽ không ổn lắm. Dù gì thì chị ấy cũng có vẻ cởi mở và nói như thế cũng tốt, ít ra cũng gỡ bớt đi những rắc rối mà chính chị ấy đã tạo ra gần đây. Không dám tin rằng chị ấy tin tưởng mình, nhưng biết rõ là vào cái thế này thì chị ấy càng cương hơn thì càng tạo nhiều rắc rối cho bản thân hơn. Muốn nói chúc mừng chị ấy vì đã biết làm vài việc đúng lúc.