29 tháng 10, 2008

Hơn


Gần đây cứ mỗi lần gặp mình hay gọi điện thì sếp đều hỏi "em thế nào rồi? chỗ mới làm tốt chứ?". Câu trả lời thì vẫn cứ là "cảm ơn chị, cũng có này có kia, nhưng nhìn chung cũng tốt". Còn khi mấy đối tác biết chuyện cũng hỏi "làm ở đó môi trường thế nào?", câu trả lời thì thường là vô thưởng vô phạt kiểu "làm ở đây tốt lắm, nhất là những khi được gặp những người cở mở như anh" hay "thử xem, cứ được đi gặp những cô gái xinh đẹp thế này thì có tốt không nhỉ?".

Bà xã thì cứ bảo "anh bớt cái miệng anh lại làm ơn". Nhưng mà nói vậy thôi, công việc mà. Trong cái nghề này thì cũng có lúc này lúc khác. Có thể gặp những đại gia thứ thiệt, được mời nước đàng hoàng, nhưng cũng có khi mất nhiều lần mà cũng không gặp được dù chỉ là một cô bé. Nhiều khi được những trận cười vỡ bụng từ những cô đồng sự nhí nhảnh yêu đời, cảm thấy biết ơn với những đồng sự rất tế nhị với những giúp đỡ từ bên kia biên giới nhưng rồi cũng lắm lúc bực mình vì những vụng về ứng xử của vài đồng sự dị ngôn.

Nhưng nói cho cùng thì cũng cảm thấy mình cười được nhiều hơn, đỡ xót lòng mỗi cuối tháng và cũng có những giây phút được "sang" nhờ việc hoà đồng.

13 tháng 10, 2008

Lệ và phí

Đọc bài này trên vnExpress thấy tâm đắc nên lưu lại đây để dành xem.
Nếu quyết thu tiền để tăng ngân sách thì đánh vào giá xăng

Hãy quan sát lưu lượng giao thông vào ngày nghỉ và ngày thường, thứ 7, Chủ nhật, lưu lượng giảm 90%. Ngày thường thì hay kẹt xe vào giờ đi làm. Vậy thì đâu phải nhân dân thiếu ý thức, ra đường khi không thật cần thiết. (Nguyễn Văn Nguyễn)

Hơn nữa, giá xăng tăng thế này sẽ buộc người dân phải tiết kiệm chi tiêu. Không nên đổ lỗi cho dân và không nên tìm cách hạn chế đi lại bằng sáng kiến như vậy.

Còn nếu quyết tâm thu tiền để tăng ngân sách thì nên tìm 1 cách công bằng hơn, đó là đánh vào giá xăng, đảm bảo được nguyên tắc: anh xài nhiều thì đóng nhiều, xài ít đóng ít.

Ý kiến của bạn?
Người gửi: cavalry man,

Tôi cũng không đồng ý với việc tăng giá xăng nhằm tăng ngân sách và giảm ách tắc giao thông. Như đã nói, thì chúng chẳng liên quan tới nhau chút nào. Tăng giá xăng thì làm giàu cho doanh nghiệp bán xăng bởi nhà nước có quản lý được đâu, càng không thể giảm tắc đường bởi tắc đường là do muôn vàn lý do mà lý do chính thì không phải là giá xăng rẻ. Đó chỉ là lý do chủ quan thôi. Khi xăng thế giới tăng thì doanh nghiệp đòi tăng giá xăng, còn giờ hạ rùi mà không có ý kiến gì. Thật lạ quá!! Nói vui là phản ứng chậm!!

Người gửi: Trần Minh Thắng,

Như mọi người cũng thấy người dân hiện nay cũng đã ý thức được việc đi lại là thật sự cần thiết, và tiết kiệm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay là điều phải làm. Xăng không chỉ dùng cho phương tiện giao thông mà còn dùng cho các ngành kinh doanh khác và nông nghiệp... Việc tăng giá xăng trong giai đoạn hiện nay chẳng khác nào tăng chỉ số giá tiêu dùng lên cao hơn, người nghèo càng gặp khó khăn hơn. Ngoài ra nguồn thu chính cho ngân sách của nhà nước đâu phải là việc thu tiền bán xăng cho người dân.

Người gửi: Nguyễn Văn Luận,

Thu phí lưu hành xe là đổ đồng cho mọi người, theo tôi ai dùng nhiều thì phải trả nhiều, ai dùng ít thì trả ít. Tăng giá xăng không có nghĩa là làm lợi cho doanh nghiệp bán xăng dầu mà tăng tiền thu phí giao thông, ví dụ như hiện tại đang là 500 đồng/lít thì tăng lên thành 1.000 đồng/lít, như vậy sẽ đảm bảo công bằng hơn. Tuy nhiên, với hình thức này có một mặt hạn chế là các doanh nghiệp SX sẽ bị thiệt vì máy móc của họ rất ít hoặc không lưu thông trên đường.

Người gửi: Ngo Cang,

- Đồng ý đánh thuế vào giá xăng (nếu phải đánh thuế).
- Không đồng ý: Thời buổi khó khăn giá cả leo thang, khi xăng thế giới lên mức hơn 140 USD/thùng thì trong nước điều chỉnh giá lên 19.000 đồng/lít. Thời điểm hiện tại, giá xăng thế giới đã xuống đến 77 USD/thùng thì giá xăng trong nước điều chỉnh là 16.500 đồng/lít. Vậy có hợp lý không? Ai sẽ trả lời câu hỏi: Tiền lời sẽ đi đâu?

Người gửi: RayCaster,

Tôi thực sự rất không hài lòng vì ý kiến trên, mong các hiểu rõ vấn đề khi đưa ra cách giải quyết. Nghĩ thử xem, buôn bán vận chuyển có cần xăng? Chạy máy bơm nước vô ruộng thôi có cần xăng?. . . Tình hình lạm phát tăng cao có phải 1 phần do giá xăng ko, sao bây giờ còn kêu tăng giá? Lý do ác tắc giao thông đâu chỉ do xe cộ, tăng giá xăng có dẹp được các lô cốt trên đường ko? Chỉ nhiêu đó ý kiến thôi mong anh suy nghĩ kỹ lại.

Người gửi: Thỏ Ngọc,

Tui chẳng đồng ý với quen niệm trên. Tăng ngân sách bằng cách đánh vào giá xăng là không khả thi vì bán giá cao thì chỉ có các doanh nghiệp bán xăng dầu mới lời chứ ngân sách không tăng! Nếu so với giá xăng dầu thế giới thì VN bán 12.000 đồng/lít là hợp lý! Giảm giá xăng nhiều quá thì dân bị sốc vậy tăng giá bán nhiều thì dân không sốc sao?!

Người gửi: Khương Đình Diên,

Tôi thấy ý kiến là tăng thu ngân sách mà đánh vào giá xăng là vô lý vì xăng dầu bây giờ nhà nước giao toàn quyền cho các doanh nghiệp cho nên tăng giá vào xăng khác nào nhân dân lại làm giàu cho một bộ phận. Trong khi đó thị trường xăng dầu trên thế giới đang giảm xuống hàng ngày mà các doanh nghiệp này không hề nói đến chuyện giảm giá.

Một lần nữa tôi đề nghị các doanh nghiệp mua bán xăng dầu phải có ý thức tự điều chỉnh chứ không phải để người dân lên tiếng. Ở đây tình trạng hội nhập vẫn chưa công bằng trong trong nền kinh tế thế thì nhà nước đừng giao toàn quyền cho họ.

Người gửi: Nguyen Hoa Hoang Duong,

Rất chuẩn. Nếu thực sự muốn thu tiền để tăng ngân sách thì hãy đánh vào giá xăng chứ thực sự người dân không muốn đi ra đường để lượn chơi cho vui họ đều phải đi khi có công việc thực sự. Bây giờ đồng lương tăng được một chút nhưng kéo theo bao nhiêu thứ đều tăng trong cuộc sống chi tiêu hàng ngày, thế mà lại còn bao nhiêu khoản đóng góp nữa không biết họ sẽ sống như thế nào đây. Cái phải làm ngay bây giờ là chống ô nhiễm môi trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng hơn cả là chống tham nhũng.

(Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/2008/10/3BA075F9/)

9 tháng 10, 2008

Cảnh nóng

Điện ảnh Việt Nam từng một thời được người ta yêu thích. Đó là vào những ngày của Lý Huỳnh, Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh.... Nhớ những ngày người ta chen lấn nhau trước màn hình ti vi của vài người giàu trong xóm chờ xem cho được những bộ phim Nước mắt học trò, để rung cảm với những nhân vật trong phim và mến mộ những người diễn phim. Nhưng rồi những năm sau đó đến gần đây điện ảnh Việt Nam đi xuống. Những bộ phim sau này mà có những diễn viên kịch tham gia thì còn đỡ đỡ, những bộ phim khác thì chán phèo vì diễn các hành động thiếu tự nhiên và lời thoại cứ như là bọn trẻ trả bài, không chút nhập tâm trong đó.
Nhiều người bắt đầu bàn tán để tìm giải pháp cho phim Việt Nam. Nhưng không biết vì sao chẳng mấy ai chú ý tới những chuyện cơ bản nhất của phim là lối diễn và lời thoại, và nội dung cốt chuyện. Mấy ông bà làm phim chắc vì xem quá nhiều phim Mỹ nên cho rằng phim Việt Nam thiếu hấp dẫn vì không có cảnh nóng. Vậy là cảnh nóng trở thành đích ngắm của mấy bác nhà ta mà quên rằng những người có trách nhiệm với nền văn hoá nước nhà đang đau đầu vì cái lối sống buông thả của con cháu mình. Bất chấp ai nghĩ gì, những bộ phim gần đây luôn thêm vào những cảnh nóng mà theo nhiều người xem thì rất không cần thiết.
Một cô bạn đồng nghiệp của tôi nói "Em xem phim Mỹ thấy cảnh đó là bình thường. Nhưng khi xem phim Việt mình thấy những cảnh đó chợt thấy no dơ dơ làm sao ấy, không phù hợp chút nào với văn hoá của mình". Nhưng sao cũng được, cứ làm gì có tiền thì làm. Những cảnh nóng tiếp tục được đầu tư ngày càng nhiều mặc sát thế nào là hoà tan hay hoà nhập.
Chán!