8 tháng 8, 2017

Nghèo Có Phải Là Cái Tội?

Rất nhiều người trên đời này bảo rằng: "Nghèo đâu phải là một cái tội!". Vâng, nghèo hoàn toàn không phải là một cái tội, nhưng nó là một bản án, một hình phạt cho những tội: tư duy nghèo, thái độ nghèo và hành vi nghèo. Sao gọi là tư duy nghèo? Cái tư duy theo kiểu "trời sinh voi sinh cỏ" là một điển hình của tư duy nghèo. Loại tư duy nghèo này khiến người ta muốn làm gì thì làm, muốn kết hôn bao giờ, muốn đẻ bao nhiêu con thì tùy ý trong khi đó không biến sự vô thường của chi phí cuộc sống, của sức khỏe, của môi trường và của chính tâm lý con người. Đến lúc nhận ra đó là một cái tội thì quá muộn màng. Có hối tiếc cũng không còn kịp nữa. Kiểu tư duy nghèo khác là "người xưa làm được thì mình cũng làm được". Sai lắm. Cái hoàn cảnh của thời ông bà hay cha mẹ mình hoàn toàn khác cái hoàn cảnh của chính mình. Thậm chí cái hoàn cảnh nó thay đổi hằng ngày. Có người bảo "tao đẻ năm sáu đứa con tao còn nuôi được còn tụi bây có một hai đứa mà lo gì". Họ đâu biết những năm sáu hay cả chục đứa con ấy phải chịu những thiệt thòi gì. Tiêu chuẩn sống của cái thời "dĩ nông vi bổn" đâu giống cái thời "phi thương bất phú", càng không ăn thua gì đến cái thời đại 4G, 5G. Vậy mà cái sự si mê theo chủ nghĩa kinh nghiệm vẫn chiếm phần áp đảo trong cái tội tư duy nghèo. Thái độ nghèo cũng không kém phần đáng sợ. Trước nhất là thái độ vô trách nhiệm với bản thân và đổ lỗi cho người khác. Nhiều người vẫn cứ cho rằng mình nghèo là do cha mẹ nghèo. Cứ làm như là cha mẹ phải có trách nhiệm phải giàu và đem cái giàu đó nộp cho họ. Có kẻ thì trách mình sao lấy vợ nghèo hay chồng nghèo mà quên rằng chính mình phải chịu trách nhiệm thay đổi điều đó. Có kẻ cho rằng mình nghèo vì không được bà con, anh em giúp đỡ mà không xem lại coi mình có giúp được ai chưa và có xứng đáng được giúp hay không. Những kẻ giàu thì khác. Họ cho rằng mình có trách nhiệm phải làm giàu để giúp đỡ cha mẹ, anh em, bà con, họ hàng và bạn bè. Họ đôi khi còn cám ơn cái xuất thân nghèo khó đã ung đúc tinh thần và nghị lực của họ. Ỷ lại cũng là một thái độ nghèo. Có người cho rằng mình chỉ cần mình có cha mẹ, vợ chồng, anh em và bà con giàu thì coi như mình sẽ không đến nỗi nào. Thái độ này kéo theo sự lười nhác và đương nhiên càng vô trách nhiệm với bản thân. Hành vi nghèo là một hệ quả đương nhiên của tư duy nghèo và thái độ nghèo. Lười biếng, buông lung, cẩu thả, nghiện ngập và bệnh sĩ là một số trong những hành vi đó. Nhiều người cứ tưởng mấy kẻ giàu thì sướng lắm, không cần làm gì cả. Họ đâu biết rằng người giàu phải làm việc với cường độ và tốc độ còn gấp mấy lần người thường. Vậy thì kẻ không làm gì hay làm việc qua loa thì giàu làm sao được? Có người thì "uống thêm ly cà phê hay hút thêm điếu thuốc chắc cũng không làm mình nghèo" nhưng đâu biết rằng sẽ có lúc bán nhà vay nợ để trả viện phí. Lắm kẻ bốc một lóng mà cắn một ngón, và kiểu "vung tay quá trán" để cho bằng bạn bằng bè chứ "nếu không thì chơi được với ai". Trong khi những người giàu thì mỗi cái chi tiêu điều tính lợi tính hại cho một ngày, một tháng và thậm chí cho hàng chục năm. Những người nghèo là những người mua vé số nhiều hơn ai hết nhưng đa số những kẻ trúng số thì không phải là người nghèo. Mà những người nghèo khi trúng số thì vẫn nghèo vì những thói quen nghèo bà tư duy nghèo. Cờ bạc, rượu chè, lo chuyện thiên hạ là những thói quen nghèo. Nếu ai đó, lúc nào đó cảm thấy mình thiệt thòi, đau khổ vì nghèo, hãy ngồi xuống, tịnh tâm và suy nghĩ xem mình đã làm gì, thái độ như thế nào và tư duy ra sao mà ra nông nổi. Đừng bám víu hay níu kéo quá khứ. Đừng ngụy biện rằng mình không thể làm gì. Hãy quyết chí thay đổi những điều đó. Và như thế bạn sẽ thay đổi cuộc sống của chính mình, thay đổi cuộc đời này.