28 tháng 11, 2012

Mùa đông năm tận thế

Mùa đông lại đến lần nữa. Vậy là đã ba mùa đông trôi qua và đang phải tiếp tục thưởng thức cái lạnh của mùa đông thứ tư, tạm gọi là mùa đông năm tận thế vậy dù là chắc hẵn là cuộc thế hỗn độn này sẽ vẫn còn tiếp diễn trong một thời gian dài nữa.
Những ngày này đi ra đường ai cũng như ai với cái mũa trùm đầu kín mít và cái mấy lớp áo dày cộm. Mỗi năm vẫn như thế. Cái mà người ta gọi là mùa hè chỉ kéo dài chừng mươi bữa ở xứ này. Nó ngắn đến nỗi một dây mướp chưa kịp có trái già và và những cây ớt thì chỉ được chín một lần. Còn mùa xuân thì còn tệ hơn nhiều. Không hiểu làm sao người ta gọi nó là mùa xuân khi tiết trời chỉ trên dưới mười độ C, nhiệt độ mà chỉ có cỏ mới lên được chứ không có thứ gì ăn được mà nó ra hoa lúc đó.
Mùa đông thì quá tệ rồi. Cái mùa buồn chán này thì dài hơn sáu tháng. Ấy là vẫn cho một chút thời gian cho cái mà người ta gọi là mùa thu với chỉ vài tuần cho cây cối trút hết lá vàng. Vào cái mùa này, cuộc sống cứ như chậm lại một cái lạ lùng. Người ta đi xe cũng phải từ từ lại vì nếu không sẽ chết vì bay ra khỏi đường khi xe nó trượt tuyết. Chưa kể là có người còn phải để cho xe chạy tại chỗ một lúc cho máy nóng rồi mới ra đường. Mặt trời cũng chậm rãi cho đến tám chín giờ mới chịu mọc lên. Có nhiều ngày không hề thấy mặt trời ở đâu cả.
Ra đường trong mùa này lại càng buồn hơn. Bốn bên trời đất như một bức tranh vẽ với chỉ hai màu đen trắng. Tuyết trắng và mây trắng, còn lại mọi thứ là màu đen. Những cành cây trụi lá màu đen, những chiếc lá chưa kịp già bị bức tử cũng màu đen, nền đường không có tuyết màu đen và người ta cũng mặc áo khoát đen, và đội mũ trùm đen. Mùa này người ta cũng không chạy những chiếc xe màu mè vì có màu mè mấy thì nó cũng sẽ đen vì bùn tuyết bị xe khác làm vấy lên thôi. Một bức tranh chỉ có thể nói là ảm đạm.
Xem ra cũng giống như trong cuộc đời này, những lúc vui tươi ấm áp quá ngắn ngủi và những nỗi đau buồn lạnh lẽo cứ kéo dài lê thê. Nếu cho giấc ngủ là sự bình an thì cái sự bình an ấy cũng thật ngắn ngủi vì người ta  đang ngày càng ngủ ít đi mà phải dành thời gian còn lại để toan tính và mưu sinh hầu cho một ngày khác khá hơn. Nếu cho ăn uống là vui tươi thì cái vui tươi đó càng ngắn ngủi vì không ai có thể ăn cả ngày và cũng không ai có thể cả ngày ăn mà không phải làm gì. Những cái khác mà người ta cho là vui vẻ lại còn ngắn hơn bội phần. Có lẽ vì thế mà người ta phải chuyển sang lấy khổ làm vui kiểu như tìm niềm vui trong công việc. Nhưng rồi những niềm vui kiểu ấy cũng là kiểu chửa cháy giống như là mở máy sưởi giữa mùa đông.

1 tháng 2, 2012

Vô Sản

Cái tết không nhớ là nó đến và đi tự bao giờ. Chỉ biết là trong suốt mấy tháng nay ngày nào cũng vào mạng rình rập xem có cơ hội gì mới không để mà tranh thủ chút thời cơ thay đổi tình hình. Vậy mà xem ra mọi việc vẫn đây vào đấy cho dù có người bảo rằng năm nay mình sẽ may mắn hơn nhiều và thậm chí là trong ba tuần này sẽ tóm được một cơ hội tốt. Nhưng mà cái tuần thứ ba đó đang trôi qua không thể níu kéo và một đống đơn xin việc vẫn biệt mù tăm hơi.
Riết rồi gan đến nổi gọi điện, nhắn tin cho mấy nhà tuyển dụng để hỏi xem tình hình thế nào. Nhưng mà ai cũng nói là đang xem xét, và nói mãi thế cho đến một ngày nhận được thư hồi báo của họ mà xem dòng đầu tiên đã biết là một lời từ chối. Ai cũng nói là resume của bạn ấn tượng, kinh nghiệm của bạn được đánh giá cao nhưng mà chúng tôi đã phải chọn người khác. Chẳng có ai nói là mày dở chỗ này mày khuyết chỗ kia nên tao từ chối để mà mình biết đường xoay sở. Trong cái xã hội mà người ta gọi là văn minh thì cái gọi là lịch sự nó quá đáng đến mức làm cho người ta không biết được hàm ý bên trong đó là gì mặc dù vẫn cảm thấy một câu quá lịch sự luôn có vấn đề.
Hôm trước có công ty nọ gọi cho mình chỉ sau một ngày nộp đơn. Lúc đó lòng mừng khấp khởi vì biết rằng chắc chắn họ thấy hứng thú với hồ sơ của mình. Nhưng mà họ hỏi thẳng một vấn đề là có kinh nghiệm gì với hệ thống ứng dụng gì đó mà nghe lạ quắc. Đành phải nói không, và họ cũng nói không luôn. Mỗi ngày nhận điền bao nhiêu đơn và bị từ chối bao nhiêu thì đều ghi lại vào lịch trên Google để sau này thống kê thử xem xác suất phỏng vấn, xác suất từ chối và xác suất thành công là bao nhiêu phần trăm. Nhiều người sẽ nghỉ đây là việc làm dở hơi của người rảnh rỗi, nhưng mà người làm thì xem đó như một cách để phân tích cái tồi tệ của thị trường việc làm ở xứ mà nhiều người thiếu thông tin vẫn cho là thiên đường nó ra làm sao.
Những bỉ cực trong thời gian này làm cho ta nghĩ nhiều đến những điều trong triết học Mác-Lê. Nếu ai đó ở đây một thời gian mới hiểu thế nào là giai cấp vô sản. Vâng, ở xã hội tư bản này, ngoại trừ những tay tỷ phú, triệu phú có cổ phần ở những tập đoàn, công ty lớn thì còn lại đều có thể coi là vô sản cả. Vô sản không phải theo nghĩa đen mà còn theo cả nghĩa bóng nữa kìa. Họ bán sức lao động mỗi ngày để nuôi cái nhà mà họ cho là của họ, nhưng phải ba mươi năm mới trả hết tiền nhà đó và số tiền mà họ trả bằng hai ba lần giá trị căn nhà lúc họ mua. Có kiến thức kinh tế thì cứ cho là tiền có giá trị thời gian của nó. Nhưng mà bản chất của giá trị thời gian của đồng tiền nó chỉ có nghĩa và có giá trị sử dụng với tầng lớp tư sản kìa. Vậy là người lao động dành đã một nửa thu nhập của họ để nuôi bọn tư sản. Ngoài ra, xe cũng mua trả góp và cũng nuôi tư sản. Tiền điện, ga, nước và viễn thông, cũng vừa nuôi mình vừa nuôi tư sản. Chưa, như vậy gọi là vô sản chứ chưa thấy vô sản, chỉ khi thất nghiệp, không trả nổi tiền nhà, tiền xe và điện nước và bị tống cổ ra khỏi nhà thì lúc đó mới thấy thế nào là vô sản.
Đó là theo nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì sao? Trong xã hội tư bản này người lao động không được pháp luật bảo vệ. Thì tại vì nhà nước của giai cấp tư sản mà. Giờ giấc làm việc, quy định nghỉ ngơi và tăng ca đều do người chủ quyết định cả và trên cơ sở sự "ráng chịu" của người lao động. Nếu ở Việt Nam tăng ca là việc cực chẳng đã của người làm việc cho nên pháp luật có quy định trả lương tăng ca gấp rưỡi gấp đôi và giờ tăng ca phải trong giới hạn quy định thì ở đây người ta coi việc tăng ca như một quyền lợi và vì thế mà thuế thu nhập trên lương tăng ca cũng cao hơn còn người chủ muốn cho tăng ca bao nhiêu cũng được mà không phải trả nhiều tiền thù lao. Vô sản đến thế là cùng.
Ở những hãng lớn như GM hay Chrysler chẳng hạn thì người lao động có thành lập công đoàn, và công đoàn cũng khá mạnh nên quyền lợi của người lao động được bảo vệ khá. Nhưng mà điều này lại trở thành cái gai trong mắt các nhà tư sản và nhà phân tích kinh tế. Ví dụ như khi đáng giá về vị thế cạnh tranh của mất hãng như vậy thì gánh nặng công đoàn được đưa ngay vào cái mà mô hình SWOT gọi là điểm yếu hoặc nguy cơ. Thế là tranh thủ tình hình thê thảm của thị trường từ vụ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 thì bọn tư sản tống cổ bớt công nhân và trong đó có mấy lãnh đạo công đoàn, còn nếu muốn giảm thiểu cái số lượng bị tống cổ thì phải nhượng bộ một số yêu cầu của bên chủ hãng. Thương thay!
Đi một vòng rồi trở lại phần mình, rõ ràng cũng đang là một người vô sản chân chính đây này. Và cũng đang tìm một con đường để làm tham gia vào giai cấp công nhân, đánh đường vòng để mong có lúc nào đó có trong tay một chút cái gọi là "tư sản". Nhưng xem ra con đường này mỗi lúc một khó khăn.
Một ngày mới lại bắt đầu, hy vọng rằng ngày hôm nay khá hơn ngày hôm trước.

22 tháng 1, 2012

Tết hay Chinese New Year?

Nếu không nhờ mấy hôm nay ăn chay thì ta cũng không nhớ là sắp tới cái ngày mà thiên hạ thường gọi là Tết.
Nói "thường gọi là" bởi vì nó ở đây không tài nào người ta cảm nhận được cái ý vị của ngày Tết giống như ở quê hương. Nếu bây giờ gặp những người quen, họ sẽ lịch sự hỏi ta rằng "How are you going to celebrate Chinese New Year?". Năm ngoái, khi bị hỏi như vậy thì ta phải đính chính rằng "It is Vietnamese New Year, or you can call it 'Tet'". Vì lượng người Việt ở đây không sao so với số người Hoa nên có lẽ mọi người chỉ cảm nhận về văn hoá Việt qua sự ước lượng tương đương từ văn hoá người Hoa. Thậm chí nhiều người tình cờ gặp nhau ở trạm xe  bus hay là chỗ mua sắm cũng hỏi "Are you from Chinese?". Điều đáng buồn hơn là nhiều người Việt vẫn dùng từ "Chinese New Year" để dịch từ "Tết" của mình ra khi giải thích cho người khác về cái Tết.
Chưa hết, còn một nguyên  nhân sâu xa hơn là từ vấn đề tự tôn dân tộc. Ở xứ này, cũng như ở nhiều xứ khác mà ta biết thì người Hoa họ có lòng tự tôn dân tộc rất cao mà ngôn ngữ là biểu hiện rõ nhất. Khi những người gốc Hoa nói chuyện với nhau, họ nói tiếng Hoa. Người lớn thì không nói gì vì khả năng ngoại ngữ của họ có hạn. Nhưng còn những người trẻ thì mới đáng nễ, vì họ được sinh ra, lớn lên hoặc được học hành ở xứ Mỹ này nhưng họ vẫn duy dùng ngôn ngữ của dân tộc họ để nói chuyện.
Còn người Việt trẻ thì thật đáng tiếc. Ngoại trừ việc nói chuyện với cha mẹ hay ông bà, là những người không biết hoặc biết ít tiếng Anh, thì những người Việt trẻ có xu hướng quên đi ngôn ngữ gốc khi nói chuyện với nhau. Họ coi tiếng Việt như là thứ gì đó không quan trọng, thậm chí không đáng kể trong cuộc sống của họ. Họ cảm thấy tự hào khi nói tiếng Anh và cho rằng họ không có trách nhiệm gì với tiếng Việt. Trong gia đình cho tới những buổi tiệc tùng, nếu không có những người lớn tuổi thì khó mà nghe thấy được một câu tiếng Việt.
Nói đi còn nói lại, thỉnh thoảng có có những buổi họp mặt với những người bạn học của nhà ta thì thấy hầu hết họ tỏ ra tôn trọng ta bằng cách nói bằng tiếng Việt. Thực ra thì lý do là họ cho rằng ông này mới qua đây cho nên nói tiếng Anh ổng không hiểu. Coi như tiếng Anh mình tệ đi, và ta thích họ nghĩ như thế vì ta thích nghe ngôn ngữ của dân tộc mình. Và một điều quan trọng không kém đó là giọng của họ khi nói tiếng Việt rất thanh, và rất Việt.
Chuẩn bị bước sang một năm mới với những lo lắng và hy vọng mới. Và dù rằng mọi người vẫn sẽ đi làm việc như mọi ngày còn bản thân ta thì phải tranh thủ từng cơ hội nhỏ để tìm đường lối cho mình thì trong thâm tâm mọi người vẫn nghĩ đến cái Tết, đó là Tết chứ không phải "Chinese New Year".