24 tháng 8, 2020

20 Năm

 Mới đó cũng 20 năm qua rồi từ cái ngày ra trường. Nhớ ngày ấy vẫn đầy hùng tâm tráng chí rằng mình sẽ là những người đầu tiên của ngành Kinh tế BCVT và sẽ có những cơ hội tuyệt vời nhất khi trở về phục vụ quê hương nhằm đáp lại những ưu ái của tỉnh nhà cho những sinh viên nghèo vượt khó. 

Vậy mà có ai ngờ đâu! Cái ngày về mang hồ sơ xin việc nộp chỗ bưu điện tỉnh thì gặp anh bảo vệ chặn lại hỏi:

"Em có quen ai trong này không?". 

"Dạ không" - Tôi đáp.

"Nếu vậy thì em đi xin chỗ khác đi. Nếu không quen ai trong này thì hồ sơ của em không được nhận đâu".

Bao nhiêu hy vọng lớn lao từ đó mà chìm đi. Hai tiếng quê hương dần trở nên xa xỉ với tôi. Vậy là tôi đã sống lưu lạc tha hương ngần ấy năm. Mấy tháng lặn lội đi tiếp thị từng nhà, mấy tháng đào đất trồng trụ điện, mấy tháng pha sơn trộn dầu, ngót năm ra vào xưởng gỗ. Rồi cũng vào ngành làm việc được vài năm mà có thể coi là an ủi lắm trong đời. Sống trong ấm áp tình đời được chưa được 8 năm thì lại dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới.

Hôm qua thấy mấy đứa bạn nói là sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm ra trường mà trong lòng lẫn lộn ngọt chua. Hai mươi năm trôi qua với 10 năm ngọt ngào còn lại là chua chát. Giờ mà có cơ hội họp mặt với mấy đứa bạn cũ, vốn bây giờ cũng là những nhân vật tai to mặt lờn trong ngành thì không biết sự ấm áp tình bạn thời sinh viên còn được bao nhiêu. Những suất học bổng, những tấm giấy khen 20 năm trước tưởng chừng như giá trị vô cùng thì bây giờ rõ ràng không thể chứng minh được gì bởi chẳng đổi thành cơm áo.

Đời là dòng sông. Ta trôi như con thuyền....

17 tháng 8, 2020

Gãy

 Mấy hôm trước cứ hay ra nhìn cành cây to vươn ra đường cái mà nói thầm rằng "chắc là phải cắt bớt mầy thôi chứ nếu không mày sẽ không chịu được bão". Cũng tính thong thả rồi cắt. Vậy mà ông trời chắc nghe được hay sao mà hôm kia giông một trận đốn cái nhánh đó xuống luôn. Vất vả mấy buổi rồi cũng xong. Tuy là một cái mất mà không thấy buồn, chỉ thấy vui. Vui vì hầu hết phần việc nặng nhọc do mấy anh hàng xóm tốt bụng gánh vác. Tuy không nhờ vả gì nhưng cứ họ thấy có việc là tự vác đồ nghề qua phụ. Cái vui nữa là việc đáng lẽ chưa làm nhưng cũng bị ép làm cho xong.


Ngẫm lại trên đời có những thứ cần phải bỏ đi thì mới được vui. Còn một cái cũng đang muốn bỏ đi mà chưa được. Chỉ mong ông trời nghe được lại giúp bỏ nó đi.


12 tháng 8, 2020

Phá Sản

 Trong cái buổi đại kiếp này, ngoại trừ những loại phá sản nghe thường ngày là phá sản doanh nghiệp, phá sản cá nhân, phá sản kế hoạch thì có một loại phá sản nghe như mới toanh nhưng cũng là loại chẳng lạ lẫm gì. Đó là phá sản niềm tin.

Phá sản niềm tin là khi ta chợt nhận ra rằng bấy lâu nay mình ảo tưởng sức mạnh. Lâu nay mình cứ tưởng những điều trên trời dưới đất gì mình cũng làm được. Còn nếu có việc thất bại thì đó là do ông thời bà thế hay xui xẻo gì đó rồi tự che đi cái dở của mình. Cuộc đời cứ tiếp tục như thế và ta nuôi cái dở đó ngày một lớn dần. Cho đến một ngày đẹp trời, ta bừng tỉnh với vô vàn những hệ luỵ mà không tài nào thoát ra được và rồi chợt nhận ra rằng những những thất bại, những hậu quả mà ta gánh chịu chính là sản phẩm của chinh ta chứ không có ông thời bà thế gì hết.

Khi ta biết rõ như ban ngày rằng ta không thể và không được phép đỗ lỗi cho bất kỳ ai khác mà chỉ có chính mình, ta sẽ thấm thía lắm cái gọi là phá sản niềm tin. 

20 tháng 2, 2020

Thế hệ

Đang đọc sách với con thì cái đầu nhức lên như búa bổ. Cũng nếu ai đó quan tâm thì hẳn sẽ biết tại sao. Thằng con thì hồn nhiên lắm và với tất cả sự quan tâm, nó bảo "Use your magic and you will be better" rồi nó để bàn tay nhỏ xíu của nó lên trán cha.
Cái tuổi thơ của nó chắc hẳn nhiều đứa trẻ khác ghen tị. Mỗi ngày được ăn chung, chơi chung, đọc sách chung và ngủ chung với cha một bên, mẹ một bên. Nó hỏi đủ thứ trên đời trời đất và không bao giờ cho phép cha nó trả lời cho qua kiểu như "trời sinh ra thế" hay "cha không biết". Trong cái đầu nhỏ xíu của nó thì "you know all, daddy. Just tell me". Mặc dù vậy, có những thứ nó nhất định giải thích theo kiểu của nó như là ma, quái vật, biệt đội săn ma, xác ướp hay cương thi. Nó luôn tin những thứ đó có thật mà không chấp nhận kiểu khẩu phục mà tâm không phục của cha nó như "tạm tin vậy đi".
Tuổi thơ của cha nó thì có khác. Làm gì có những nhiều thời gian mà được gần gủi với cha mẹ với những sáu anh chị em. Thì cũng may mắn là có cô năm, cô út lo lắng cho ở cái tuồi bắt đầu đi học mà chưa biết làm. Mà thực ra vừa học chữ, vừa học làm việc. Cái giai đoạn sáu bảy tuổi là bắt đầu biết tự nấu cơm, tự giặt đồ cho mìn và còn giặt "mướn" cho chú bảy. Rồi chín mười tuổi thì biết làm bánh, nấu rượu phụ cho hai cô.
Đến lúc có thể làm việc nặng hơn thì quay về phụ cha mẹ việc ruộng đồng và chăm sóc cho mấy đứa em nhỏ dại. Những buổi nói chuyện được với cha mẹ chỉ là khi củng cuốc đất be bờ hay nhổ cỏ trông rau, hoặc chẻ trúc đan vách. Những ngày tháng ấy tất cả những gì nghe được quý giá vô cùng và trở thành những giáo điều bất biến. Những ngày ấy, cha cũng là thần tượng, là người biết tất cả mọi thứ trên đời, giống như ta bây giờ trong mắt của con trẻ vậy.
Vậy mà thoáng đó đã mấy mươi năm, ta đã qua bên kia con dốc của cuộc đời còn cha mình cũng xuống hơn nửa dốc rồi thì câu chuyện lại khác đi nhiều quá. Cuộc đỗ dốc này chưa biết ai về trước về sau nhưng cái khoảng cách giữa hai cha con như ngày càng xa hơn nữa. Ngày xưa cha chỉ chăm chú day dỗ cho ta hăng hái trên con đường tiến bộ về mọi mặt còn ngày nay thì lại tập trung ý chí chỉ để bảo vệ cho bản ngã. Ngày xưa cha chỉ cho ta nhìn vào những tấm gương của những vị anh hùng hào kiệt còn ngày nay thì lại coi những kẻ nghiện thuốc như những thiên thần hộ pháp.
Còn gì buồn hơn khi cả trí tuệ lẫn tình thương đều không có chút giá trị gì!