23 tháng 12, 2023

Tồn Tại

Những ngày tháng qua tâm trạng hay tâm sự gì đó cứ đầy ắp chực tràn ra. Những giấc ngủ chập chờn và những sợi tóc bạc ngày càng nhiều thêm.

Nhiều lúc muốn than thở, mà cũng biết than thở với ai và ở đâu. Cuộc đời mỗi người vốn đã lấm những khổ đau thì những lời thở than của ta cũng chỉ làm cho bức ảnh cuộc dời thêm u ám mà chẳng ai có lợi được gì. Mà vốn dĩ xưa nay ta có giúp gì được cho ai mà muốn ai giúp lại. Cái thời buổi này, việc giúp nhau bằng khẩu hiệu là chính chứ những kết nối xa xôi mà lỏng lẻo thì có ai làm gì được cho ai mà kể với lễ.

Một cảm giác cô dơn thường trực trong ta. Cảm giác như không nói chuyện được với ai. Ta sợ phải làm những người yêu thương mình lo lắng, buồn đau vì những lời than vãn. Ta sợ làm trò cười cho những kẻ không quen bằng những dòng tâm trạng không mấy vui vẻ. Ta im lặng. Ta như không còn tồn tại trong dòng đời hối hả này. Có lẽ có một ngày ta có thẻ muốn nói gì thì nói trên những trang mạng xã hội mà cũng không ai thèm liếc qua một cái, vì đơn giản là trong họ ta vốn đã không tồn tại.

Có người từng cười bảo "Anh có gì mà không vui. Anh có con ngoan, vọ hiền, công việc ổn định. Có biết bao nhiêu người chỉ mơ thôi cũng chưa mơ được như vậy." Cũng có người bảo rằng "Anh như vậy chỉ là đang tồn tai chứ không phải đang sống." Vậy ai đúng? Ai sai? Còn với nhiều người nữa thì ta đã không tồn tại.

21 tháng 6, 2021

Đam Mê

Sống trên đời này, càng ham muốn thì càng đau khổ. Có một ham muốn cũng khổ rồi mà có nhiều ham muốn càng khổ hơn. Nhưng dù sao cũng cần phải có đam mê. Vì nếu không có đam mê thì cuộc sống này nhạt nhẽo vô vị biết nhường nào. Mà rồi nếu cái gì cũng muốn thì hóa ra cũng cầm bằng như không có đam mê.

Hình như mình bị ám bởi câu nói của thần tượng là "làm tướng mà trên không thông thiên văn, dưới không tường địa lý, không tinh trận đồ, chẳng hiểu binh thế, ấy là tướng xoàng". Tự thử đến giờ mình cứ mãi theo đuổi hình tượng một người kiểu như cái gì cũng biết và kết quả là cuối cùng cái gì cũng không biết hoặc chỉ biết nửa vời.

Có một thứ tưởng như mình biết lắm mà giờ ngồi lại thấy rõ ràng là không biết gì, đó là chính mình. Thánh nhân dạy rằng người trí là người biết mình, vì mình chính là thứ luôn ở bên mình mọi lúc mọi nơi mà không biết nửa thì làm sao biết được gì khác. Nhưng việc nhận ra mình không biết mình cũng có thể xem là một thứ biết phải không nhỉ? Chỉ có điều là cái biết này chỉ làm cho người ta phá sản lòng tin chứ không thúc đẩy gì nhiều.

Loay hoay tới lui cảm thấy mình thích viết. Cũng chưa chắc nó có phải là một đam mê không và nếu có thì có phải là một thứ đam mê đáng theo đuổi không. Vì sao thế? Vì nói gì thì nói mình điều cần kíp lúc này vẫn là tiền. Đam mê chỉ đáng theo đuổi khi nó giúp giải quyết việc vấn đề kinh tế, dù sớm, dù muộn. Mà bây giờ bắt đầu viết thì chừng nào mới viết ra tiền cơ chứ? Vả lại viết về việc gì? Phải có đối tượng và chủ để chứ! Với một người thôi thì cũng không thể tạo thành một pho kiến thức tổng hợp như Wikipedia.com hay Encyclopedia.com được. Mà về mỗi lĩnh vực thì mình cũng lưng chừng thì làm sao biết chọn lĩnh vực nào?

Y tế, thuốc men ư? Ừ, thì mình cũng biết sơ sơ về cách trị bệnh tại nhà như cảm cúm, ho hen hay bệnh đường tiêu hóa hay bệnh ngoài da. Mình cũng có biết sử dụng một số loại cây cỏ vườn nhà để làm thuốc điều trị. Nhưng so với nhiều người hiểu biết về lĩnh vực này thì xem ra mình không nên động tới cái rìu, nói chi là múa rìu.

Công nghệ thông tin ư? Thì mình cũng đủ khả năng để hiểu được đa số những khái niệm về công nghệ thông tin hay viễn thông và cũng từng làm việc kiểu như tìm hiểu cho biết về chúng chứ đâu có thể như một tín đồ công nghệ thực thụ. Chắc là không phải đợi đến khi có thể thông thạo vài ngôn ngữ lập trình hay có thể tự mở khóa iCloud thì mới có thể bàn về công nghệ như mình tưởng, nhưng xem ra cái rìu này cũng chỉ có thể sờ tới cho biết chứ chẳng thể múa cho ai xem.

Âm nhạc ư? Nếu có người nghe thì mình có thể khen bài này chê bài kia cả ngày. Nhưng mà trong cái thị trường âm nhạc như bây giờ thì có quá nhiều những bài hát mà nghe một lần đã cảm thấy lợm giọng thì xem ra cái điều mình sẽ viết về lĩnh vực này xem như không có mấy phần sáng sủa. Cái rìu này mà cầm lên xem như sớm muộn gì cũng có huyết chiến.

Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực ư? Một người thích biết đây đó như không (có điều kiện) du lịch nhiều nơi, món gì cũng dám ăn nhưng không ham thích gì việc ăn uống và không ưa việc nấu nướng thì có thể xem như ngoại đạo trong lĩnh vực này.

Chính trị ư? Cái lĩnh vực mà luôn có máu và nước mắt này luôn nóng. Nóng như nham thạch mà ai vướng vào đó cũng tan ra trong dòng chảy mà không có cách nào quay lại. Nó là thứ hỗn độn mà trong đó người ta chỉ lại hay bàn về trật tự đúng sai. Trong lĩnh vực này chỉ có những bang chủ mồm, cao thủ mồm và đồ đệ mồm chứ. Mà xem ra loại "mồm công" này thì mình cũng chưa tu luyện được mấy hôm và trong lĩnh vực này hẳn có nhiều trận mồm chiến kinh thiên động địa.

Tôn giáo ư? Lĩnh vực này cũng không hơn lĩnh vực chính trị là mấy. Mình đúng là có hứng thú với lĩnh vực này và xem ra chuyện về tôn giáo nói không bao giờ hết. Đây là lĩnh vực mà nhìn vào người ta tưởng là các thế lực siêu nhiên đóng vai trò chính mà thực chất thì cái bản ngã, sự cố chấp của con người mới là vai chính. Lĩnh vực này thú vị nhưng rồi chắc hẳn luôn có những trận mồm chiến kinh tâm động phách.



Đam mê ơi, mi ở đâu?

16 tháng 6, 2021

Khô Hạn

 Cũng mới vào hè được chừng hai tuần lễ rồi. Vậy mà không có lấy một cơn mưa nào ra hồn.

Mà đâu phải mới đây thôi. Tính ra đã hơn tháng rồi không có mưa mốc gì. Đất đai khô đến nỗi những cây bụi mà người ta trồng làm rào dậu cũng héo. Dịch bệnh thì chưa dứt sau hơn năm hoành hành khắp thiên hạ. Mà nghe nói có nguy cơ bùng phát lại sau vì nhà nước dở bọ lệnh đeo khẩu trang và cấm tụ tập để cứu nguy nền kinh tế.

Hết năm 2020, người ta cứ tưởng sẽ đón một năm mới an bình hơn. Nào ngờ đối phó với dịch bệnh chưa xong giờ phải đối phó với hạn hán. Những dòng sông con suối như muốn cạn khô. Nghe nói nguy cơ cháy rừng cũng đang chờ chực. Ở cái xứ mà một năm chỉ ấm nóng được ba ngày giờ được thưởng thức cái nóng bức trong nửa tháng.

Có lẽ có một thông điệp từ cõi vô hình muốn gửi cho nhân gian mà chưa ai đoc được. Hoặc có người đọc được như giả làm ngơ không biết.

Trông chờ một kết cục!

10 tháng 6, 2021

Run

Không biết có việc gì mà từ trưa tới giờ có cảm giác như tay chân hơi run. Cũng không phải chỉ tay chân, mà cả người như đang run. Trời thì ấm, rất ấm chứ đâu có lạnh lẽo gì. Bản thân cũng không nghe lạnh, cũng không cảm thấy như bệnh đau gì. Lạ quá! Một cái lạ đáng sợ!

25 tháng 3, 2021

Sinh nhật muộn

 

Vậy là đã chẳng viết gì cho ngày gọi là sinh nhật lần này. Cũng gần một tháng rồi nhỉ? Mà rồi có viết thì viết gì đây và rồi viết thì cho ai xem ai đọc? Ừ nhỉ! Cũng có vài người chứ. Có những người vẫn lặng lẽ quan tâm mình cho dù tháng rộng năm dài. Cũng giống như mình, mỗi ngày đều nhớ đến họ và cầu mong những đều tốt đẹp cho họ. Có những tình cảm tốt đẹp không cầu kỳ, không phô trương nhưng vẫn trường tồn giữa cuộc sống xô bồ thời hiện tại. Thôi thì cũng để lại đây ít dòng để những người yêu thương tôi còn biết chút gì về cuộc sống, hay đúng hơn là trạng thái tồn tại, của một người được yêu thương mà gần như đã ngàn thu vĩnh biệt.

Hơn hai năm trước, trong một ngày đẹo trời, ta đã quyết định khởi sự làm ăn. Nói là làm ăn cho hoành tráng bởi vì để làm việc đó buộc ta và người bạn đời phải trút hết tiền bạc, thời gian và công sức vào đó, chứ so với nhiều người biết làm ăn khác thì chẳng đáng là gì, và theo lời thân mẫu thì đó là việc làm "tầm bậy". Vậy đó. Thì đâu phải là mở ra để tự mình làm thuê cho mình suốt kiếp đâu. Định là thuê người làm và mở rộng mạng lưới khắp tiểu bang, tạo một thương hiệu có giá trị trên thị trường. Nhưng trước mắt phải tự mình trải nghiệm để sau còn biết mà quản lý nhân viên nhân sự.

Ngày đầu tiên khai trương, khách hàng đến đông như kiến. Ai cũng nói lời cảm ơn đại loại như là "thank you for opening this business here". Tưởng ngon ăn lắm, mừng khấp khởi. Vậy mà...

Độ chừng hơn nửa năm, có thêm mấy tay mơ cũng giống như mình, đầu tư gần như y chang ngay trong thị trường mục tiêu của mình. Có mấy khách hàng tưởng đâu mấy cái đó là của ta mở mang và bảo là việc mở mang đó tào lao vì tự ăn thịt chính mình. Thì cũng kệ. Mình cũng có một lượng khách hàng trung thành đáng kể và tạm thời thu cũng bù chi. Chỉ có đều là nếu nói tự trả lương cho mình thì cũng là chuyện xa vời nói chi là thuê nhân mướn sự. Lúc bấy giờ chỉ mong sao mỗi năm được thêm nhiều người nhận biết và tăng doanh số lên chút để tránh khỏi làm công không cho thiên hạ.

Đúng là họa vô đơn chí. Đùng một cái, đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ. Mấy chỗ tụ tập công cộng và vui chơi phải đóng cửa. Có một tiệm nhanh tay đóng cửa rút khỏi thị trường. Ta cũng muốn rút lui cho êm mà nhìn lại hợp đồng thuê mặt bằng thì hỡi ôi. Còn phải ở lại với họ hơn ba năm nữa. Kêu với họ xin tha cho mà họ đâu có chịu. Ai lại dễ dàng để gần chục ngàn đô doanh thu mỗi tháng rời đi như vậy. Cái hoàn cảnh bấy giờ gọi đã nghèo còn mắc cái eo. Tiền lương của bạn đời, tiền tích góp bao lâu phải tuôn vào bù trả tiền thuê mỗi tháng cho chủ mặt bằng. Và có nguy cơ bán nhà đi bụi. Gia đình, anh em thì chỉ hỏi thăm và lắng nghe ta than vãn chứ có làm sao cứu vớt được gì. Bạn bè cũng vậy.

Trong mênh mong cũng có sẵn ý trời, lúc hoạn nạn thì chân tình mới thấy. Có những người bạn lúc thường chẳng thấy đâu nhưng lúc khó khăn lại xuất hiện. Những sự giúp đở to tát thì đương nhiên là không thể được nhưng mấy miếng cơm vài manh áo lúc cùng cực này cũng quý giá nhường bao. Có người thì mời ăn, cho gạo cho thịt, có người cho thẻ mua lương thực. Có người thì trực tiếp giúp đỡ, có người thì nhờ tay người khác mà chuyển qua. Nhiều lúc nghĩ không biết mình đã làm được gì cho ai mà phần nhận lại như vậy là quá thể. Nhưng cũng không thể nói là phúc bất trùng lai bởi lẽ cũng trong lúc ấy thì mối lo lớn nhất là tiền thuê mặt bằng cũng được chủ đất điều chỉnh giảm trừ cho một thời gian trong khi tìm kiếm giải pháp cho ta được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Người đã đề xuất giảm trừ trả lời rằng "Trong lúc bao nhiêu người khốn đốn thì tôi vẫn có công ăn việc làm, trong lúc nhiều người gặp phải bệnh dịch thì tôi được còn khỏe mạnh. Vậy thì tại sao không giúp đỡ lại cho người khác trong lúc mình còn có thể!" khi được cảm ơn.

Người đời thường nói "Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả". Câu này quả thật không sai. Cho đến thời điểm này thì ta vẫn đang sống được nhờ những ân phước đó. Còn vài tháng nữa là hết thời gian miễn trừ, cũng chưa biết đến đó thì mọi việc thế nào. Gánh nặng có thể đặt lại hay là được tháo bỏ vĩnh viễn cũng chưa biết được. Lần nào gọi điện thăm hỏi song thân cũng được yêu cầu dẹp bỏ cái việc làm "tầm bậy" này đi để sống bình thường như trước đây. Có lẽ họ cũng không còn nhiều thời gian để chờ đợi con mình làm nên chuyện gì lớn lao, và có lẽ cũng đã mõi mòn với những kỳ vọng vào điều gì to tát. 

Một lần nữa kỷ niệm 42 năm có mặt trong cõi đày ải này. Câu chuyện không có hậu lắm trên đây là thực trạng một mảnh đời trôi dạt trên vùng đất hứa. Hy vọng là trong một cập nhật mới, những người yêu thương tôi có thấy được vài nét lạc quan. Còn hiện tại, thước phim cuộc đời vẫn đang dừng tại đó.

24 tháng 8, 2020

20 Năm

 Mới đó cũng 20 năm qua rồi từ cái ngày ra trường. Nhớ ngày ấy vẫn đầy hùng tâm tráng chí rằng mình sẽ là những người đầu tiên của ngành Kinh tế BCVT và sẽ có những cơ hội tuyệt vời nhất khi trở về phục vụ quê hương nhằm đáp lại những ưu ái của tỉnh nhà cho những sinh viên nghèo vượt khó. 

Vậy mà có ai ngờ đâu! Cái ngày về mang hồ sơ xin việc nộp chỗ bưu điện tỉnh thì gặp anh bảo vệ chặn lại hỏi:

"Em có quen ai trong này không?". 

"Dạ không" - Tôi đáp.

"Nếu vậy thì em đi xin chỗ khác đi. Nếu không quen ai trong này thì hồ sơ của em không được nhận đâu".

Bao nhiêu hy vọng lớn lao từ đó mà chìm đi. Hai tiếng quê hương dần trở nên xa xỉ với tôi. Vậy là tôi đã sống lưu lạc tha hương ngần ấy năm. Mấy tháng lặn lội đi tiếp thị từng nhà, mấy tháng đào đất trồng trụ điện, mấy tháng pha sơn trộn dầu, ngót năm ra vào xưởng gỗ. Rồi cũng vào ngành làm việc được vài năm mà có thể coi là an ủi lắm trong đời. Sống trong ấm áp tình đời được chưa được 8 năm thì lại dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới.

Hôm qua thấy mấy đứa bạn nói là sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm ra trường mà trong lòng lẫn lộn ngọt chua. Hai mươi năm trôi qua với 10 năm ngọt ngào còn lại là chua chát. Giờ mà có cơ hội họp mặt với mấy đứa bạn cũ, vốn bây giờ cũng là những nhân vật tai to mặt lờn trong ngành thì không biết sự ấm áp tình bạn thời sinh viên còn được bao nhiêu. Những suất học bổng, những tấm giấy khen 20 năm trước tưởng chừng như giá trị vô cùng thì bây giờ rõ ràng không thể chứng minh được gì bởi chẳng đổi thành cơm áo.

Đời là dòng sông. Ta trôi như con thuyền....

17 tháng 8, 2020

Gãy

 Mấy hôm trước cứ hay ra nhìn cành cây to vươn ra đường cái mà nói thầm rằng "chắc là phải cắt bớt mầy thôi chứ nếu không mày sẽ không chịu được bão". Cũng tính thong thả rồi cắt. Vậy mà ông trời chắc nghe được hay sao mà hôm kia giông một trận đốn cái nhánh đó xuống luôn. Vất vả mấy buổi rồi cũng xong. Tuy là một cái mất mà không thấy buồn, chỉ thấy vui. Vui vì hầu hết phần việc nặng nhọc do mấy anh hàng xóm tốt bụng gánh vác. Tuy không nhờ vả gì nhưng cứ họ thấy có việc là tự vác đồ nghề qua phụ. Cái vui nữa là việc đáng lẽ chưa làm nhưng cũng bị ép làm cho xong.


Ngẫm lại trên đời có những thứ cần phải bỏ đi thì mới được vui. Còn một cái cũng đang muốn bỏ đi mà chưa được. Chỉ mong ông trời nghe được lại giúp bỏ nó đi.


12 tháng 8, 2020

Phá Sản

 Trong cái buổi đại kiếp này, ngoại trừ những loại phá sản nghe thường ngày là phá sản doanh nghiệp, phá sản cá nhân, phá sản kế hoạch thì có một loại phá sản nghe như mới toanh nhưng cũng là loại chẳng lạ lẫm gì. Đó là phá sản niềm tin.

Phá sản niềm tin là khi ta chợt nhận ra rằng bấy lâu nay mình ảo tưởng sức mạnh. Lâu nay mình cứ tưởng những điều trên trời dưới đất gì mình cũng làm được. Còn nếu có việc thất bại thì đó là do ông thời bà thế hay xui xẻo gì đó rồi tự che đi cái dở của mình. Cuộc đời cứ tiếp tục như thế và ta nuôi cái dở đó ngày một lớn dần. Cho đến một ngày đẹp trời, ta bừng tỉnh với vô vàn những hệ luỵ mà không tài nào thoát ra được và rồi chợt nhận ra rằng những những thất bại, những hậu quả mà ta gánh chịu chính là sản phẩm của chinh ta chứ không có ông thời bà thế gì hết.

Khi ta biết rõ như ban ngày rằng ta không thể và không được phép đỗ lỗi cho bất kỳ ai khác mà chỉ có chính mình, ta sẽ thấm thía lắm cái gọi là phá sản niềm tin. 

20 tháng 2, 2020

Thế hệ

Đang đọc sách với con thì cái đầu nhức lên như búa bổ. Cũng nếu ai đó quan tâm thì hẳn sẽ biết tại sao. Thằng con thì hồn nhiên lắm và với tất cả sự quan tâm, nó bảo "Use your magic and you will be better" rồi nó để bàn tay nhỏ xíu của nó lên trán cha.
Cái tuổi thơ của nó chắc hẳn nhiều đứa trẻ khác ghen tị. Mỗi ngày được ăn chung, chơi chung, đọc sách chung và ngủ chung với cha một bên, mẹ một bên. Nó hỏi đủ thứ trên đời trời đất và không bao giờ cho phép cha nó trả lời cho qua kiểu như "trời sinh ra thế" hay "cha không biết". Trong cái đầu nhỏ xíu của nó thì "you know all, daddy. Just tell me". Mặc dù vậy, có những thứ nó nhất định giải thích theo kiểu của nó như là ma, quái vật, biệt đội săn ma, xác ướp hay cương thi. Nó luôn tin những thứ đó có thật mà không chấp nhận kiểu khẩu phục mà tâm không phục của cha nó như "tạm tin vậy đi".
Tuổi thơ của cha nó thì có khác. Làm gì có những nhiều thời gian mà được gần gủi với cha mẹ với những sáu anh chị em. Thì cũng may mắn là có cô năm, cô út lo lắng cho ở cái tuồi bắt đầu đi học mà chưa biết làm. Mà thực ra vừa học chữ, vừa học làm việc. Cái giai đoạn sáu bảy tuổi là bắt đầu biết tự nấu cơm, tự giặt đồ cho mìn và còn giặt "mướn" cho chú bảy. Rồi chín mười tuổi thì biết làm bánh, nấu rượu phụ cho hai cô.
Đến lúc có thể làm việc nặng hơn thì quay về phụ cha mẹ việc ruộng đồng và chăm sóc cho mấy đứa em nhỏ dại. Những buổi nói chuyện được với cha mẹ chỉ là khi củng cuốc đất be bờ hay nhổ cỏ trông rau, hoặc chẻ trúc đan vách. Những ngày tháng ấy tất cả những gì nghe được quý giá vô cùng và trở thành những giáo điều bất biến. Những ngày ấy, cha cũng là thần tượng, là người biết tất cả mọi thứ trên đời, giống như ta bây giờ trong mắt của con trẻ vậy.
Vậy mà thoáng đó đã mấy mươi năm, ta đã qua bên kia con dốc của cuộc đời còn cha mình cũng xuống hơn nửa dốc rồi thì câu chuyện lại khác đi nhiều quá. Cuộc đỗ dốc này chưa biết ai về trước về sau nhưng cái khoảng cách giữa hai cha con như ngày càng xa hơn nữa. Ngày xưa cha chỉ chăm chú day dỗ cho ta hăng hái trên con đường tiến bộ về mọi mặt còn ngày nay thì lại tập trung ý chí chỉ để bảo vệ cho bản ngã. Ngày xưa cha chỉ cho ta nhìn vào những tấm gương của những vị anh hùng hào kiệt còn ngày nay thì lại coi những kẻ nghiện thuốc như những thiên thần hộ pháp.
Còn gì buồn hơn khi cả trí tuệ lẫn tình thương đều không có chút giá trị gì!